Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Dấu hiệu bệnh gan

Trần Hải(Hà Nội)

Gan đóng vai trò chính yếu trong việc loại bỏ ra khỏi máu các sản phẩm độc hại sinh ra từ ruột hay nội sinh (do cơ thể tạo ra), chuyển đổi chúng thành những chất mà cơ thể có thể loại bỏ dễ dàng. Do đó, tổn thương tế bào gan gây ảnh hưởng rất nhiều đến các cơ quan khác trong cơ thể.

Bệnh gan thật sự rất nguy hiểm và bạn nên theo dõi cơ thể để phát hiện ra những dấu hiệu nhỏ nhất như: da và lòng trắng (củng mạc) mắt vàng, nước tiểu sậm màu, phân vàng hoặc bạc màu, chán ăn, đau bụng, nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc có máu. Bệnh gan có thể gây ra bụng báng (cổ trướng) do ứ đọng dịch trong khoang ổ bụng, ngứa kéo dài và lan rộng hoặc thay đổi cân nặng bất thường (trọng lượng cơ thể tăng hoặc giảm quá 5% trong vòng 1- 2 tháng). Rối loạn giấc ngủ, tâm thần, mệt mỏi hoặc giảm khả năng chịu đựng, mất ham muốn và khả năng tình dục… nặng nhất là hôn mê gan… mà hậu quả này là do sự ứ đọng các chất độc trong cơ thể gây tổn thương chức năng của não bộ.

Những dấu hiệu trên là những dấu hiệu rất dễ nhận biết bên ngoài. Nếu bạn hay bị ngứa, cảm thấy nóng trong người, tốt nhất nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để biết chính xác mình có bị viêm gan không và viêm gan thể gì bằng các xét nghiệm chức năng gan, men gan…

BS. Nguyễn Thị Phương Anh

Viêm tai ngoài có nguy hiểm?

Trần Văn Trí (Hà Nội)

Viêm tai ngoài hay còn gọi là viêm khoang tai ngoài. Đây là nhiễm trùng lớp da mỏng ở khoang tai, thường là do vi khuẩn hoặc trong một số trường hợp hiếm có thể do nấm. So với viêm tai giữa, viêm tai ngoài thường gặp và ít trầm trọng hơn. Tuy nhiên, bệnh có thể làm bạn khó chịu vì cảm giác ngứa, đau hoặc chảy mủ tai. Nếu viêm tai ngoài không điều trị kịp thời có thể lan đến viêm tai giữa và ảnh hưởng nghiêm trọng đến thính lực. Nguyên nhân chủ yếu của viêm tai ngoài là do tai tiếp xúc với nguồn nước bẩn trong hồ bơi hoặc ao hồ, một số nguyên nhân khác như đeo tai nghe không sạch, dụng cụ ngoáy tai không bảo đảm vệ sinh.

Bệnh viêm tai ngoài khá phổ biến ở trẻ em và người hay bơi lội. Ngoài ra, người bị tiểu đường, bị dị ứng da và những ai có tai không tạo đủ ráy tai đều dễ mắc viêm tai ngoài hơn. Khi bị viêm tai ngoài, người bệnh sẽ cảm thấy: đau tai và đau nhiều hơn khi kéo dái tai hoặc khi ấn vào tai; ngứa trong tai; Sốt nhẹ (thỉnh thoảng); mủ chảy ra từ trong tai; đôi khi có cục u hoặc mụn nhọt nhỏ gây đau trong khoang tai...

Điều tị viêm tai ngoài cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra tránh để nước vào tai bằng cách đeo nút bịt lỗ tai khi tắm hoặc đội mũ bơi khi đi bơi để phòng bệnh.

BS. Hoàng Lan

Bệnh Listeriosis và ngộ độc thực phẩm

(Lý Văn Khoa - TP.HCM)

Listeria là loại vi khuẩn có độc tính cao, chúng lây nhiễm thành dịch qua thực phẩm bị nhiễm. Vi khuẩn này tạo ra bệnh cảnh rất nặng ở phụ nữ có thai và những người bị suy giảm miễn dịch. Người khỏe mạnh hiếm khi bị bệnh do nhiễm listeria nhưng bệnh có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ (sữa bị nhiễm khuẩn), người có hệ thống miễn dịch suy yếu thì có nguy cơ cao bị biến chứng nặng nề.

Tuy nhiên nếu dùng kháng sinh phù hợp thì rất hiệu quả đối với vi khuẩn listeria. Đây là loại vi khuẩn có thể sống được trong môi trường tủ lạnh và thậm chí trong ngăn đông, cho nên nhiều người ăn thực phẩm được bảo quản tốt vẫn bị nhiễm bệnh. Vi khuẩn listeria được tìm thấy trong đất, nước và phân động vật. Con người bị nhiễm khuẩn chủ yếu do các con đường sau: qua trái cây tươi bị nhiễm khuẩn từ đất mà chưa được xử lý; thịt bị nhiễm khuẩn; sữa hoặc thực phẩm chế biến từ sữa không được tiệt khuẩn; quá trình chế biến thực phẩm gây nhiễm khuẩn (phô mát, thức ăn nhanh …). Những đối tượng có nguy cơ cao là người trên 60 tuổi, nhiễm HIV/AIDS, đang hóa trị liệu, bệnh đái tháo đường, suy thận, đang uống thuốc corticoide, dùng thuốc ức chế đào thải mảnh ghép…

Hiện nay, việc điều trị bệnh listeriosis rất thay đổi dựa trên mức độ nặng của triệu chứng. Phần lớn những người có biểu hiện nhẹ không cần phải điều trị. Nhiễm trùng nặng được điều trị với kháng sinh. Người có thai bị nhiễm trùng phải điều trị kháng sinh ngay tức khắc để phòng ngừa ảnh hưởng đến thai nhi. Listeria nhạy cảm với nhiều loại kháng sinh đang có và được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa.

BS.CKII. ĐẶNG MINH TRÍ

Nguy cơ sức khỏe khi bị mắc kẹt lâu trong hang

Những hệ lụy khi bị mắc kẹt lâu trong hang

Trước hết là thiếu ánh sáng, sau đó là đói, rét, không có chỗ nghỉ ngơi, thiếu dưỡng khí... từ đó có thể làm cho người bị mắc kẹt hoảng loạn, lo lắng dẫn đến suy giảm sức đề kháng. Bốn hiện tượng đói, rét, không có ánh sáng, thiếu dưỡng khí sẽ tác động rất lớn đến tâm lý của nạn nhân, nhất là trẻ em như đội bóng nhí Thái Lan đã gặp phải. Bên cạnh đó là một số bệnh tật sẽ tấn công nạn nhân khi sức đề kháng suy giảm. Các loại bệnh này, ngay cả sau khi được cứu ra khỏi hang vẫn luôn rình rập người gặp nạn.

Người bị mắc kẹt trong hang có thể mắc “bệnh hang động”. “Bệnh hang động” gồm nhiều loại khác nhau nhưng điển hình nhất là bệnh lây từ loài dơi. Dơi là loài động vật nguy hiểm vì chúng mang nhiều loại vi sinh vật gây bệnh và luôn có khả năng lây cho con người. Trên thực tế, chúng vốn là loài hoang dã, chỉ ưa sống ở nơi vắng vẻ, không có con người, nhất là hang động, hang càng sâu, càng thiếu ánh sáng càng thích hợp với chúng. Dưới góc độ y học, dơi là một loài động vật có hệ miễn dịch siêu việt, có nghĩa là nhiễm rất nhiều loại vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, vi nấm, virut) nhưng bản thân dơi không mắc bệnh vì có hệ miễn dịch tốt tới mức gần như không bao giờ bị các loại virut tấn công. Trong khi đó, dơi thường mang các loại virut gây bệnh nguy hiểm như virut Hendra, Nipah, Marburg, ngay cả virut Ebola đều là các loại virut gây bệnh nguy hiểm cho con người (Ebola là bệnh gây tỷ lệ tử vong cao nhất hiện nay). Bằng rất nhiều con đường khác nhau (phân, nước tiểu, nước bọt, nguy hiểm hơn là xác chết của dơi) gieo rắc virut gây bệnh và cả vi khuẩn gây bệnh như Salmonella (gây bệnh thương hàn), vi khuẩn Leptospira thường có trong nước tiểu của dơi, chuột (gây sốt vàng da chảy máu) khắp nơi, nếu người tiếp xúc các loại chất thải này của dơi sẽ có nguy mắc bệnh rất cao. Trong khi đó, những người mắc kẹt trong hang dài ngày nguy cơ tiếp xúc với chất thải của dơi trong môi trường (nước, đất, không khí...) là rất lớn nhưng sức đề kháng của nạn nhân ngày một suy giảm dần do thiếu ăn, thiếu uống, rét, căng thẳng thần kinh, lo lắng...

Nguy cơ sức khỏe khi bị mắc kẹt lâu trong hangCác cầu thủ nhí Thái Lan ngay sau khi được giải cứu được đưa ngay đến bệnh viện để chăm sóc đặc biệt.

Ở nơi hang động rộng, liên thông dễ dàng với bên ngoài, một số loài chim dễ dàng lưu trú trong hang, nhất là các loài ăn thịt dơi, chuột, khi phân của chim đào thải ra có vô số vi sinh vật gây bệnh. Nếu người tiếp xúc với phân của chúng hoặc hít phải không khí chứa tác nhân gây bệnh từ phân chim hoặc từ lông chim thì có nguy cơ mắc bệnh do từ dơi, chuột lây sang chim, từ đó lây sang người. Đó là bệnh thương hàn do vi khuẩn Salmonella có trong phân chim đào thải ra môi trường (nước) hoặc mắc bệnh viêm phổi rất nặng do nhiễm nấm Histoplasma.

Ngoài ra, virut có thể lây từ dơi do chúng ăn trái cây, làm rơi quả xuống đất, nếu người nhặt ăn (do đói) sẽ bị nhiễm virut gây bệnh, bởi vì nước bọt của dơi chứa rất nhiều vi sinh vật gây bệnh.

Tại sao người bị nạn sau khi giải cứu cần được đưa đến bệnh viện ngay?

Trước hết là để cách ly với cộng đồng trong một thời gian cần thiết đề phòng các nạn nhân này mang trong mình mầm bệnh lây nhiễm nguy hiểm. Thứ đến là do nạn nhân bị mắc kẹt quá lâu thiếu dinh dưỡng, kiệt sức cần hồi sức ngay. Thêm vào đó, sau khi được giải cứu nếu được cho ăn uống đầy đủ, rất có thể bị mắc “hội chứng tái dưỡng”, tức là gây rối loạn chuyển hóa sau khi được bồi phụ thức ăn do một thời gian dài thiếu dưỡng chất. Rối loạn chuyển hóa rất đa dạng như không hấp thu được, hấp thu kém hoặc gây rối loạn tiêu hóa (chán ăn, không muốn ăn, đầy hơi, trướng bụng, đau bụng, thậm chí gây tiêu chảy...) hoặc sự bài tiết men gan, tụy tạng, mật bị suy giảm.

Mặt khác, theo các chuyên gia, các nạn nhân, nhất là trẻ em có thể gặp phải chấn thương tâm lý do sống trong bóng tối nhiều ngày, do xa gia đình, nhớ người thân, lo lắng, thiếu thốn đủ thứ gây mất ngủ rất dễ bị trầm cảm. Vì vậy, ngay từ đầu cần có trợ giúp ngay của cán bộ y tế.

Khi được chuyển về cơ sở y tế, trước tiên các nhân viên y tế cần kiểm tra thân nhiệt của các nạn nhân đề phòng hạ thân nhiệt, kiểm tra sự nhiễm trùng, nhất là viêm phổi (khám lâm sàng, xét nghiệm...) và kiểm tra tổng thể, trên cơ sở đó các nạn nhân sẽ được điều trị kịp thời. Họ phải cảnh giác rất cao, đề phòng “bệnh hang động” lây sang cho người khác. Đồng thời, nạn nhân sẽ được bổ sung dinh dưỡng hợp lý, theo dõi thật cẩn thận để nạn nhân không mắc “hội chứng tái dưỡng”.

PGS.TS.BS. Bùi Khắc Hậu

Mùa mưa, thận trọng với bệnh da tiếp xúc do côn trùng

Căn nguyên và cách lây truyền của bệnh này là do côn trùng, tên khoa học Paederus.

Thủ phạm gây bệnh

Paederus là một loại côn trùng thuộc họ cánh cứng (Ataphylimidac) có khoảng 1.400 - 20.000 giống rất giống nhau thường gặp là P. literalis, P. fuscipes, P.caligatus và Paederus mình dài, thanh 7 - 10 mm thoạt nhìn như con kiến do đó đồng bào ta hay gọi thành nhiều tên khác nhau: kiến hoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong đít... Kiến này có 3 đôi chân bụng có đốt trong đó có một đốt màu đỏ, bay và chạy rất nhanh, chúng thường sống ở ven ruộng quanh gốc rạ, ở bãi cỏ, gần vùng nước, ruộng rau, trong những nơi đang xây dựng dở dang... Trong thân kiến khoang có chất Pederin gây cháy bỏng da giống như chất Căngtadin của sâu ban miêu và chất phospho ở con giời.

Mùa mưa, thận trọng với bệnh da tiếp xúc do côn trùngPaederus

Sau những ngày mưa lũ làm ngập đồng ruộng, ao hồ, kiến khoang theo côn trùng, theo ánh đèn bay vào nhà, những người làm việc dưới ánh đèn bị côn trùng rơi vào cổ, mặt, thân mình vô tình giơ tay đập bẹp côn trùng và chất Pedirin có trong côn trùng dây vào da. Có khi côn trùng rơi vào bể tắm, bồn tắm hoặc bám vào khăn mặt, quần áo. Người bệnh không chú ý xát phải côn trùng gây thành viêm da bọng nước (có trường hợp người bệnh giết côn trùng và đưa tay quệt lên da và nổi thành bệnh).

Dấu hiệu nhận biết

Sau khi tiếp xúc với côn trùng bệnh nhân thấy ngứa, rát, nóng bỏng tại chỗ, sau 6 - 12h xuất hiện các đám vết màu đỏ, hơi nề thành vệt, kích thước từ 1 - 5cm, rộng 3 - 4 mm, sau 1 - 3 ngày xuất hiện các mụn nước trên da đỏ, lấm tấm sau đó xuất hiện bọng nước và bọng mủ. Theo thống kê, 100% biểu hiện bằng vết đỏ, nền cộm và nóng rát tại chỗ; 80% có tổn thương ở đầu, cổ, mặt và nửa trên thân mình; 60% có xuất hiện tổn thương vào buổi sáng; 3,82% có sưng và nề hai mi mắt. Một số trường hợp có hình ảnh đối xứng khớp với nhau.

Mùa mưa, thận trọng với bệnh da tiếp xúc do côn trùngTổn thương ở gần mắt

Diễn biến tổn thương

Ban đầu bệnh nhân thấy đau, hơi ngứa, rát tại chỗ căng da biểu hiện đỏ ở một vùng da. Sau 6 - 12h thành một đám hơi nề, đỏ cộm, thành vệt, trên nền đỏ nổi thành mụn nước to nhỏ không đều đường kính từ 1 - 5mm. Từ 1 - 3 ngày sau thành phỏng nước, phỏng mủ, lúc này cảm giác đau tăng lên có thể kèm theo cảm giác ngây ngay sốt, mệt mỏi khó chịu, nổi hạch, đau ở vùng cổ nách, bẹn tương ứng với tổn thương. Nếu tổn thương ở gần mắt có thể sưng húp cả hai mắt 5 - 7 ngày sau mới hết, ở bẹn có thể nổi hạch bẹn sưng đau, đi lại khó khăn, các phỏng nước, phỏng mủ tiến triển sau 4 - 5 ngày thì đóng vẩy tiết khô dần, khi rụng vẩy để lại vết sẫm màu da. Có trường hợp bệnh nhân nổi một vết đỏ lấm tấm mụn nước nhỏ, hơi ngứa, tổn thương lặn sau 3 - 5 ngày không thành phỏng nước, phỏng mủ. Trong mùa mưa, một bệnh nhân có thể bị đi bị lại 2 - 4 lần, trong tập thể có thể có 10 - 12% người bị, bệnh có thể kéo dài 5 - 20 ngày.

Nguyên tắc điều trị tổn thương

Nếu chỉ có dát đỏ, vết đỏ người bệnh chỉ cần điều trị tại nhà: dùng nước muối loãng 9‰ chấm ngày 3 - 4 lần nhằm trung hòa độc tố của côn trùng, tránh rửa nước nhiều, tránh kỳ cọ làm da tróc vẩy. Nếu trường hợp đau rát nhiều, người bệnh có thể đến các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu khám và điều trị bằng các thuốc chuyên khoa từ 4 - 6 ngày, điều trị bệnh nhân sẽ khỏi bệnh

Mùa mưa, thận trọng với bệnh da tiếp xúc do côn trùngCác phỏng nước, phỏng mủ tiến triển sau 4 - 5 ngày thì đóng vẩy tiết khô dần

Nếu tổn thương nhiễm trùng hóa mủ dùng các dung dịch thuốc màu: Milian, Xanh metylen, thuốc tím pha loãng, sau 4 - 5 ngày tổn thương hết viêm, bong vẩy tiết cho các loại crem, mỡ kháng sinh hoặc corticoid. Trường hợp sốt có biểu hiện nhiễm trùng toàn thân có thể dùng kháng sinh kết hợp với kháng histamin tổng hợp và corticoid nhẹ để uống.

Phòng bệnh

Để phòng tránh bệnh, cần phát quang bụi rậm xung quanh nhà để tránh nơi côn trùng cư ngụ. Đêm ngủ nên đóng kín cửa, nằm màn. Khi phơi quần áo nên lấy sớm vào để tránh côn trùng ẩn nấp trong đó. Nếu thấy côn trùng bò lên da thì nên lấy giấy hoặc thổi côn trùng đi, không nên bắt, chà xát hoặc giết nó gây thương tổn và chất tiết tiếp xúc với da nhiều hơn. Khi phát hiện côn trùng gần khu vực sống nên đóng cửa hoặc dùng lưới rất nhỏ để ngăn côn trùng không vào trong nhà, trong phòng. Trước khi ngủ hoặc trước khi mặc đồ thì nên kiểm tra giường chiếu, chăn màn, quần áo trước khi sử dụng, nếu phát hiện côn trùng bám trên quần áo không mặc nữa và đem đi giặt.

BS. NGÔ XU N NGUYỆT

6 thứ còn bẩn hơn bồn cầu bạn chạm tay hàng ngày

Nguồn Video: Medical Daily. Phụ đề: Sống khỏe

1. Vòi hoa sen

Vòi tắm hoa sen sau khi bạn sử dụng, với độ ẩm cao trong nhà tắm có thể là mầm mống của vi khuẩn sinh sôi. Một trong số chúng là vi khuẩn Mycobacterium Avium, tấn công hệ miễn dịch, làm suy giảm sức đề kháng.

2. Bồn rửa chén

Bồn rửa chén chứa nhiều vi khuẩn hơn bất cứ thứ nào trong phòng tắm

45% bồn rửa gia đình là tổ của nhiều vi khuẩn nguy hiểm, trong đó có Salmone và E. coli.

3. Miếng giẻ rửa chén: là một trong những nguồn gây bệnh số 1 trong nhà. Nên thay thế và khử trùng miếng rửa chén thường xuyên

4. Điện thoại di động/Máy tính bảng

Lượng vi khuẩn tìm thấy ở các thiết bị cầm tay cao gấp 7 lần bồn cầu.

5. Bàn phím: Khe giữa các bàn phím là nơi trú ngụ của vi khuẩn, lượng vi khuẩn cao gấp 25 lần chỗ ngồi toa lét.

6. Đồ điều khiển game cầm tay cũng chứa vô vàn vi khuẩn, còn nhiều hơn cả bệ ngồi toa lét.

PV

(theo Medical Daily, Việt hóa bởi Sống khỏe)

Những điều cần biết về lao màng phổi

Lao màng phổi là dạng bệnh trong nhóm lao ngoài, không lây lan với biểu hiện thường thấy: đau ngực, khó thở tăng dần kèm theo sốt cao kéo dài và có dịch trong màng phổi. Phác đồ điều trị lao màng phổi tương tự lao phổi.

Lao màng phổi là dạng bệnh gặp trong các bệnh lao ngoài phổi chiếm khoảng 5% trong các thể lao và đứng thứ 2 trong số bệnh lao ngoài phổi (sau lao hạch bạch huyết). Bệnh lao màng phổi thường xuất hiện sau lao phổi và chiếm khoảng 25 - 27% trong các thể lao ngoài phổi. Trong các bệnh tràn dịch màng phổi thì nguyên nhân do lao chiếm 70-80%. Lao màng phổi có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên độ tuổi thanh thiếu niên là nhiều hơn cả.

Lao màng phổi chủ yếu là do vi khuẩn lao trên người gây ra, một số ít trường hợp do vi khuẩn lao bò hoặc vi khuẩn lao không điển hình. Những vi khuẩn này phát sinh thành bệnh nhờ các điều kiện thuận lợi: Trẻ không được tiêm vắc-xin phòng tránh lao màng phổi BCG, hay trẻ bị lao sơ nhiễm nhưng phát hiện muộn và điều trị không đúng cách. Người tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với người bị lao phổi. Bị chấn thương lồng ngực hoặc nhiễm lạnh đột ngột. Mắc một số bệnh gây suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS...

Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh lao tốt nhấtTiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh lao tốt nhất. Ảnh: TM

Triệu chứng thường gặp của lao màng phổi

Khi bị lao màng phổi, nếu ở giai đoạn khởi phát, bệnh nhân thường có triệu chứng cấp: đau ngực, khó thở tăng dần, sốt, khám có hội chứng 3 giảm vùng màng phổi bị tràn dịch.

Bệnh cũng có thể xuất hiện từ từ với các dấu hiệu: Sốt nhẹ về chiều tối, đau ngực ít hơn, ho khan và khó thở tăng dần. Khoảng 30% bệnh nhân lao màng phổi có triệu chứng sốt nhẹ về chiều, tối, đau tức ngực, khó thở cũng tăng dần, ho khan. 20% còn lại thì không có biểu hiện rõ rệt nên khó phát hiện, chỉ được phát hiện khi chụp Xquang.

Còn ở giai đoạn toàn phát, bệnh nhân có biểu hiện: xanh xao, mệt mỏi, gầy sút, sốt liên tục, nhiệt độ dao động 39-40oC, mạch nhanh, huyết áp hạ, nôn, nước tiểu ít... Cũng có trường hợp ho khan từng cơn, đau ngực, khó thở thường xuyên. Khi dịch màng phổi ít, bệnh nhân thường nằm nghiêng bên lành; dịch nhiều bệnh nhân thường nằm nghiêng bên bệnh hoặc ngồi dựa tường để thở.

Cần làm xét nghiệm nào để chẩn đoán?

Để chẩn đoán lao màng phổi trước tiên phải xác định xem màng phổi có dịch hay không bằng thăm khám và chụp Xquang phổi; siêu âm để xác định được các ổ dịch khu trú; hút dịch màng phổi để xét nghiệm tìm vi khuẩn lao. Bên cạnh đó có thể tìm vi khuẩn lao trong dịch màng phổi bằng kỹ thuật nuôi cấy, kỹ thuật sinh học phân tử như PCR, Genxpert, xét nghiệm mô bệnh học màng phổi.

Ngoài ra còn phải phân tích các thay đổi về tế bào và sinh hóa, sinh thiết màng phổi qua thành ngực hoặc nội soi màng phổi để vừa quan sát rõ vừa sinh thiết chính xác được tổn thương... Do đó, tốt nhất bạn đến các bệnh viện chuyên ngành về bệnh lao để được xét nghiệm, chẩn đoán một cách chính xác nhất.

Lao màng phổi có nguy hiểm?

Bệnh lao màng phổi không quá nguy hiểm nhưng vẫn có thể để lại những biến chứng nặng nề như tràn dịch, tràn khí màng phổi, viêm phủ màng phổi, dày dính dịch nhiều ở màng phổi và ổ cặn màng phổi. Do đó, cần phát hiện kịp thời và có cách điều trị bệnh phù hợp càng sớm càng tốt.

Bệnh có lây không?

Khi được chẩn đoán rằng mắc phải bệnh lý này, hầu hết các bệnh nhân đều lo lắng vì không biết rằng bệnh lao màng phổi có lây không. Tuy nhiên, có thể thấy rằng đây là một thể lao ngoài phổi và không lây truyền qua đường hô hấp như bệnh lao phổi. Vì bệnh lao màng phổi đơn thuần, không có kèm theo bệnh lao phổi thì sẽ không lây cho người khác qua đường hô hấp.

Điều trị bệnh lao màng phổi

Để điều trị bệnh lao màng phổi thì nguyên tắc quan trọng trong việc điều trị không thể bỏ qua chính là chọc hút dịch màng phổi càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó bệnh cần được kiểm tra, xét nghiệm để chẩn đoán chính xác mức độ bệnh và khả năng cư trú của dịch màng phổi. Từ đó sử dụng loại thuốc điều trị lao càng sớm càng tốt và cần chú tâm vào phục hồi chức năng chống dày dính màng phổi nhằm không để lại di chứng sau này.

Để điều trị khỏi bệnh lao màng phổi, bác sĩ chỉ định dùng thuốc chống lao theo đường toàn thân và thuốc chống dính màng phổi. Bên cạnh đó, bệnh viện còn phải tiến hành hút dịch cho bệnh nhân (mỗi tuần 2-3 lần) cho tới khi hết dịch. Khi có biến chứng ổ cặn màng phổi, dày dính màng phổi nhiều, dò màng phổi - thành ngực, dò màng phổi - phế quản gây ho khạc mủ... cần kết hợp nội, ngoại khoa để đem đến hiệu quả tốt nhất.

Thời gian điều trị lao màng phổi thường kéo dài từ 6 - 8 tháng và cần tuân thủ đúng theo liệu trình, bao gồm đúng liều, đúng thời gian, dùng thuốc đều đặn...

Biện pháp phòng tránh lao màng phổi

Tiêm vắc-xin BCG ngăn ngừa bệnh lao màng phổi cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 1 tuổi. Khi có một trong những biểu hiện lao màng phổi cần đến ngay cơ sở y tế hoặc bệnh viện để có kết luận chính xác và cách trị bệnh phù hợp. Sống lành mạnh, không quan hệ tình dục bừa bãi, tránh xa các căn bệnh xã hội nguy hiểm,...

BS. Nguyễn Nam

Dấu hiệu bệnh gan

Trần Hải (Hà Nội) Gan đóng vai trò chính yếu trong việc loại bỏ ra khỏi máu các sản phẩm độc hại sinh ra từ ruột hay nội sinh (do cơ thể tạo...